Tommy Taylor – Biểu tượng của những đứa trẻ nhà Sir Matt Busby

Lịch sử bóng đá đã chứng kiến nhiều thảm họa hàng không nhưng có lẽ, không thảm kịch nào được nhớ đến nhiều như sự kiện diễn ra ở Munich năm 1958. Điều đáng tiếc nhất là thảm họa đã cướp hết gần một đội bóng tài năng. Ngày 6 tháng 2 năm 2018 đánh dấu 60 năm thảm họa Munich, một chương tồi tệ nhất trong lịch sử của Manchester United sau khi chiếc máy bay chở đội bóng gặp nạn và khiến 23 người chết, trong đó có nhiều thành viên của đội hình danh tiếng “Busby Babes” – Những đứa trẻ của Busby. Trong đó có cả chân sút hàng đầu của Cup C1 – Tommy Taylor. Ông luôn được xem là tiền đạo vĩ đại nhất trong lịch sử, là biểu trưng của Manchester United cũng như là nền bóng đá Anh, đối với tất cả những ai từng được xem anh chơi bóng.

Thomas Taylor sinh ngày 29 tháng 1 năm 1932 – mất ngày 6 tháng 2 năm 1958. Ông là một cầu thủ bóng đá người Anh, người được biết đến với khả năng không chiến. Ông cũng là một trong tám cầu thủ Manchester United đã thiệt mạng trong thảm họa hàng không ở Munich vào năm 1958.

Tommy được Man Utd mua của Barnsley với 29.999 bảng Anh. Lúc này HLV Matt Busby chọn giá chuyển nhượng đó vì ông không muốn chàng tiền đạo tân binh phải chịu sức ép từ cái mác “một cầu thủ đáng giá ba mươi nghìn bảng Anh”. Và một bảng còn lại đã được vị HLV huyền thoại tặng cho một cô hầu trà.

Con đường đến với sân Old Trafford của huyền thoại người Yorkshire thật là khác thường, nhất là trong thời hiện đại này. Mới 14 tuổi, cậu bé Tommy Taylor đã phải làm việc trong mỏ than Warncliff. Sau đó, cậu bỏ việc để bắt đầu sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp với Barnsley FC và có trận ra mắt đầu tiên khi mới 18 tuổi vào ngày 7 tháng 10 năm 1950, trong chiến thắng 3-1 trên sân nhà trước Grimsby Town. Trong trận đấu tiếp theo diễn ra vào ngày 4 tháng 11 năm 1950, ông đã ghi một cú hat-trick đem về chiến thắng áp đảo 7-0 trước kình địch Queens Park Rangers. Tổng cộng, Taylor ghi được 7 bàn thắng trong 12 lần ra sân trong mùa giải 1950-51.

Ngày 25 tháng 5 năm 1950, Tommy Taylor chính thức trở thành Pháo thủ Taylor, số hiệu 22366853 thuộc biên chế Pháo binh Hoàng gia Anh, đóng quân ở Oswestry – đó là thời điểm ông bắt đầu hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình.

Đến năm 1953, Man Utd đã ở vào cuối thời kì hoàng kim, Matt Busby và Jimmy Murphy tiến hành tìm kiếm một tiền đạo mới. Tommy Taylor cũng đã đáp ứng được các yêu cầu của hai HLV, và sau khi kí hợp đồng, ông không mất nhiều thời gian để thỏa mãn sự kì vọng của cả hai ông thầy. Ông có một khởi đầu tuyệt vời khi nhanh chóng ghi hai bàn trong trận ra mắt. Vào cuối mùa giải 1952-53, Taylor đã ghi được 7 bàn thắng trong 11 trận đầu tiên cho United. Ông đóng một vai trò quan trọng trong việc M.U giành chức vô địch Giải hạng nhất 1955-56 và 1956-57 và ghi bàn trong trận Chung kết FA Cup 1957 trước Aston Villa. Không chỉ vậy, ông cũng giúp đội bóng lọt vào bán kết Cúp C1 châu Âu mùa giải 1956-57, và đây cũng là CLB đầu tiên của Liên đoàn bóng đá tham gia cuộc thi cấp CLB hàng đầu châu Âu. 189 lần ra sân và 131 bàn thắng, ông đã lập một kỉ lục về hiệu suất ghi bàn trong lịch sử CLB. Kỉ lục đó đã tồn tại suốt bốn thập niên và nó chỉ bị phá bởi Ruud van Nistelrooy.

Nhưng thật bi thảm, tài năng thì bạc mệnh, vào ngày 06 tháng 2 năm 1958, Tommy Taylor đã thiệt mạng trong Thảm họa Máy bay Munich cùng với bảy người đồng đội khác. Tương lai của ông đã vụt tắt khi mà ông mới 26 tuổi, bỏ lại nhiều dấu hỏi về việc: ông còn có thể chơi hay đến mức nào nếu vụ tai nạn máy bay oan nghiệt đó không xảy ra.

Ở cấp độ quốc tế, trong 19 lần khoác áo đội tuyển Anh, Taylor đã có 16 bàn thắng vào lưới đối phương – quá ấn tượng. Vào thời điểm sự nghiệp của ông nổi lên, nhiều người coi Taylor là sự thay thế hoàn hảo cho Nat Lofthouse ở “Tam sư”.

Ông là cầu thủ đánh đầu tốt nhất vào thời đó, cùng khả năng khống chế bóng và những đường chuyền một chạm hoàn hảo, hiệu suất ghi bàn phi thường cho cả CLB lẫn ĐTQG. Quả thực, Tommy Taylor chơi hay đến nỗi huyền thoại Alfredo Di Stefano của Real Madrid đã gọi anh là “Magnifico” (có nghĩa là “vĩ đại”). Taylor chính là đóa hoa nở muộn thành Manchester, là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Trong số cũng tiền đạo xuất sắc nhất, có thể ông vẫn chưa thể hiện hết khả năng của mình. Dù sao đi chăng nữa thì Taylor vẫn là một người đến từ vùng đất Yorkshire điển hình, khôi hài và là một cầu thủ luôn đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu, luôn dốc sức cống hiến hết mình cho đội bóng Old Trafford.